Nguyên nhân khiến ô tô bị rung giật – Cách kiểm tra và xử lý

ô tô bị rung giật

Hiện tượng xe ô tô bị rung giật có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các vấn đề nhỏ đến các sự cố nghiêm trọng hơn. Và nó gây ảnh hưởng rất lớn cho việc trải nghiệm lái xe hàng ngày, đặc biệt có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Có rất nhiều bộ phận khi xảy ra trục trặc sẽ khiến cho ô tô của bạn gặp phải tình trạng rung giật như động cơ, hệ thống phanh, trục xe, lốp xe,… Để xác định chính xác nguyên nhân và khắc phục triệt để, cần tiến hành kiểm tra toàn diện các khu vực có khả năng gây rung động. Đầu tiên, hãy xem xét động cơ trong khoang máy, sau đó kiểm tra trục xe dưới gầm, hệ thống phanh, và cuối cùng là khu vực bánh xe và lốp xe. Quá trình này sẽ giúp khoanh vùng vấn đề, từ đó nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và giải quyết hiệu quả. Hãy cùng Rexoil Việt Nam tìm hiểu nguyên nhân tại sao xe của bạn lại gặp hiện tượng này và cách khắc phục triệt để nhé!

1. Rung giật do động cơ

Động cơ xe ô tô là một trong những bộ phận quan trọng nhất và khi gặp vấn đề, nó có thể gây ra hiện tượng rung giật, ảnh hưởng đến hiệu suất và an toàn khi lái xe. Dưới đây là các biểu hiện cụ thể của việc xe ô tô bị rung giật do bộ phận động cơ:

  • Rung lắc khi khởi động: Khi xe mới khởi động, nếu động cơ bị rung lắc mạnh, có thể là do bugi hoặc hệ thống đánh lửa gặp vấn đề.
  • Rung khi chạy chậm: Nếu xe bị rung khi chạy chậm, có thể do bộ chế hòa khí, bugi hoặc hệ thống nhiên liệu gặp vấn đề.
  • Rung giật khi tăng tốc: Khi bạn tăng tốc và cảm thấy xe bị rung giật, có thể là do hệ thống phun nhiên liệu không hoạt động hiệu quả hoặc bugi bị hỏng.
  • Rung khi chạy ở một tốc độ nhất định: Nếu xe bị rung khi chạy ở một tốc độ nhất định, điều này có thể liên quan đến vấn đề với động cơ hoặc hệ thống truyền động.
  • Rung thành từng nhịp: Khi xe bị rung thành từng nhịp đều đặn, nguyên nhân có thể là do hệ thống đánh lửa hoặc hệ thống nhiên liệu hoạt động không đều.
  • Rung sau khi chạy một thời gian: Khi xe khởi động và chạy ổn định nhưng sau một khoảng thời gian bắt đầu rung, điều này thường liên quan đến hệ thống làm mát, hệ thống nhiên liệu hoặc các bộ phận động cơ bị quá nhiệt.

Các nguyên nhân khiến ô tô bị rung giật do động cơ:

  • Bugi bị hỏng: Bugi chịu trách nhiệm đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu và không khí trong xi-lanh. Khi bugi bị hỏng, hiệu suất đốt cháy giảm, dẫn đến rung giật.
  • Hệ thống đánh lửa gặp vấn đề: Nếu hệ thống đánh lửa không hoạt động đúng cách, quá trình đốt cháy trong xi-lanh sẽ bị gián đoạn, dẫn đến rung giật.
  • Hệ thống phun nhiên liệu không đều: Khi hệ thống phun nhiên liệu không cung cấp đủ lượng nhiên liệu hoặc phân phối nhiên liệu không đều, động cơ sẽ hoạt động không ổn định và gây rung giật.
  • Bộ chế hòa khí bị bẩn hoặc hỏng: Bộ chế hòa khí có nhiệm vụ pha trộn không khí và nhiên liệu đúng tỉ lệ. Nếu bộ phận này bị bẩn hoặc hỏng, hỗn hợp nhiên liệu và không khí sẽ không đạt yêu cầu, dẫn đến động cơ rung giật.
  • Hệ thống làm mát không hiệu quả: Khi hệ thống làm mát không hoạt động đúng cách, động cơ có thể bị quá nhiệt, gây rung giật sau một thời gian vận hành.
  • Lọc gió hoặc lọc nhiên liệu bị tắc: Khi các bộ phận lọc bị tắc, luồng không khí và nhiên liệu vào động cơ sẽ bị gián đoạn, dẫn đến rung giật.

Khi gặp các dấu hiệu này, nên đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra và khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn và hiệu suất hoạt động của xe.

2. Rung giật do trục xe

Một nguyên nhân phổ biến khác khiến xe bị rung lắc khi chạy là do lỗi trục các đăng. Khi xe rung lắc theo tốc độ lái, vận tốc càng cao thì xe rung lắc càng mạnh, thường là do trục các đăng bị cong vênh sau va chạm. Điều này thường xảy ra ở các xe dùng hệ dẫn động cầu sau và dẫn động 4 bánh, đặc biệt khi xe bị dằn xóc.

Trong trường hợp trục các đăng bị lỗi, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra và thay bi chữ thập hoặc cân bằng động lại. Nếu xe vẫn rung giật sau khi cân bằng, thì việc thay trục các đăng mới là cần thiết. Giá thay trục các đăng có thể dao động từ vài chục triệu đồng tùy thuộc vào loại xe.

Một vấn đề khác thường gặp là lớp vỏ bọc khớp nối đồng tốc ở cuối trục các đăng bị rách, bung ra, và bám bùn đất, bụi bẩn. Điều này có thể khiến khớp bị kẹt, gây rung lắc. Đối với các xe dẫn động cầu trước, khi khớp động bị hỏng, thường phải thay thế toàn bộ trục truyền động.

Ngoài ra, bạc đạn trục bị hỏng cũng là nguyên nhân phổ biến gây rung giật. Bạc đạn trục giúp trục quay mượt mà, và khi bị hỏng, trục sẽ không quay trơn tru, dẫn đến hiện tượng rung giật. Hệ thống treo gặp vấn đề cũng có thể gây rung lắc, vì hệ thống này giữ vai trò đảm bảo bánh xe tiếp xúc với mặt đường. Khi hệ thống treo không hoạt động tốt, trục xe sẽ không được hỗ trợ tốt, gây rung lắc khi vào cua hoặc chở tải nặng.

3. Rung giật khi phanh

Nếu bạn gặp phải trường hợp xe rung giật khi sử dụng phanh, thì nguyên nhân có thể liên quan đến hệ thống phanh. Những nguyên nhân phổ biến nhất gây rung giật khi phanh là đĩa phanh bị cong vênh, má phanh mòn không đều hoặc do bề mặt đĩa phanh không đều.

  • Đĩa phanh bị công vênh, không còn phẳng, nó sẽ tạo ra sự rung lắc mỗi khi má phanh tiếp xúc, gây ra cảm giác rung giật ở bàn đạp phanh và vô lăng.
  • Khi má phanh mòn không đồng đều, áp lực phanh không được phân bố đều, dẫn đến hiện tượng rung giật.
  • Nếu bề mặt đĩa phanh bị mòn không đều, má phanh sẽ không tiếp xúc đều với đĩa phanh, gây ra hiện tượng rung giật khi phanh.

Khi bạn gặp trường hợp xe bị rung lắc khi đạp phanh, bạn nên đưa xe đến các trung tâm sửa chữa để kiểm tra cụ thể và xử lí kịp thời, tránh những tình huống xấu khi tham gia giao thông trên đường đi.

4. Rung giật do lốp xe

Lốp xe là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác lái xe, và nó cũng là 1 trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rung giật. Dưới đây là các dấu hiệu và nguyên nhân gây rung giật do lốp xe:

Lốp xe quá mòn hoặc mòn không đều

Lốp xe mòn không đều có thể do hệ thống treo bị lệch, bánh xe không thẳng hàng, hoặc áp suất lốp không đúng. Khi lốp mòn không đều, bề mặt tiếp xúc với mặt đường sẽ không đồng nhất, gây ra rung giật. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, lốp ô tô nên thay sau 5 năm kể từ ngày sản xuất. Nếu sau 5 năm, tình trạng lốp vẫn tốt có thể tiếp tục sử dụng nhưng cần kiểm tra định kỳ hàng năm và không sử dụng quá 10 năm. Để tránh tình trạng lốp xe mòn không đều, nên đảo lốp định kỳ 6 tháng/lần hoặc sau mỗi 7.000 – 12.000 km tùy theo loại lốp.

Lốp xe không cân bằng

Lốp xe không cân bằng có thể gây ra rung lắc khi di chuyển ở tốc độ cao. Điều này xảy ra bởi vì trong quá trình sản xuất lốp xe, độ chính xác không thể đạt giá trị tuyệt đối, tỉ lệ chênh lệch vẫn có, nhưng nó rất nhỏ. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách lắp thêm các miếng sắt hoặc chì để tạo lại sự cân bằng cho mâm lốp.

Áp suất lốp không đúng

Áp suất lốp quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây ra rung giật. Lốp không đủ áp suất sẽ không thể giữ hình dạng chuẩn, làm tăng ma sát và gây rung lắc. Ngược lại, áp suất quá cao cũng làm giảm khả năng hấp thụ chấn động của lốp

Lốp bị hỏng hoặc biến dạng

Lốp bị nứt, phồng rộp hoặc có vết cắt sâu có thể gây ra rung giật khi lái. Những hư hỏng này thường do va chạm mạnh hoặc lốp đã sử dụng quá lâu.

5. Rung giật do trục bánh xe

Rung giật do trục bánh xe là một vấn đề phổ biến mà nhiều người lái xe ô tô có thể gặp phải, và có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

Vòng bi bánh xe bị lỏng hoặc hư hỏng

Khi vòng bi bánh xe bị lỏng hoặc hư hỏng, xe có thể bị rung lắc, đặc biệt là khi chạy ở tốc độ cao. Hiện tượng này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vô lăng xe ô tô bị rung. Vòng bi thường rất bền, nhưng nếu bị va đập mạnh, chúng có thể bị vỡ. Khi vòng bi bị vỡ, xe sẽ rung “phập phập”, lúc lên lúc xuống, tạo ra một cảm giác rất nguy hiểm khi lái xe. Bạn cần nhanh chóng kiểm tra và thay thế vòng bi bánh xe bị hỏng kịp thời để đảm bảo an toàn khi vận hành xe.

Rô tuyn và khớp cầu bị trục trặc

Rô tuyn hay khớp cầu bị trục trặc có thể khiến bánh xe rung, dẫn đến toàn bộ xe bị rung. Khi các khớp này mòn, xe sẽ nhấp nhô, gây cảm giác không ổn định khi lái. Nguyên nhân là do hiện tượng mòn tự nhiên hoặc các tác động cơ học mạnh có thể làm rô tuyn và khớp cầu bị hư hỏng. Để đảm bảo sự ổn định cho xe, bạn cần thay thế rô tuyn và khớp cầu bị mòn hoặc hỏng.

Thanh chống, hệ thống giảm xóc, và thanh buộc gặp vấn đề

Ngoài ra, tình trạng vô lăng xe bị rung còn có thể do các vấn đề liên quan đến thanh chống, hệ thống giảm xóc, hoặc thanh buộc. Khi các bộ phận này gặp trục trặc, xe sẽ mất đi sự cân bằng và ổn định. Các bộ phận này có thể bị mòn, hư hỏng do sử dụng lâu dài hoặc do va đập mạnh. Để đảm bảo xe vận hành mượt mà và an toàn, cần kiểm tra và sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận hư hỏng.

Trên đây là một số nguyên nhân thường gây ra hiện tượng rung giật trên ô tô và các biện pháp xử lý phổ biến. Khi gặp tình trạng này, bạn nên kiểm tra và sửa chữa ngay, hoặc tốt nhất là nên đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng uy tín để kiểm tra và khắc phục triệt để. Việc kiểm tra kỹ lưỡng và bảo dưỡng định kỳ các bộ phận này là rất cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu suất khi lái xe. Duy trì hệ thống trục bánh xe và các bộ phận liên quan trong tình trạng tốt nhất sẽ giúp bạn có một trải nghiệm lái xe an toàn và thoải mái.

REXOIL VIỆT NAM – SONG ĐẠI LONG JSC

Địa chỉ: Lầu 3 Tòa nhà Matxi Corp, Đường số 38, P. An Khánh, TP Thủ Đức, TP HCM
Website: www.rexoil.vn
SĐT: 028 77777 369
Email: kinhdoanh@songdailong.com